Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh
Phóng viên: Gia đình là trường học đầu đời của mỗi người. Chị có thể chia sẻ thêm quan điểm của chị về nhận định này?
Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng mỗi con người, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam thì gia đình có ba chức năng cơ bản: chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục, chức năng kinh tế.
Gia đình thực hiện chức năng giáo dục đối với các thế hệ kế tiếp bắt đầu từ khi mỗi thành viên được sinh ra cho đến khi trưởng thành và thậm chí cho đến suốt đời. Ngay từ khi sinh ra Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của chúng ta, cha mẹ dạy chúng ta biết đi, nói, viết và tính toán. Họ truyền đạt cho chúng ta những kiến thức cần thiết để tự tin và thành công trong cuộc sống. Gia đình cũng là nơi chúng ta học về các giá trị đạo đức, lòng nhân ái và sự tử tế... Như vậy, có thể khẳng định rằng gia đình chính là trường học đầu tiên của mỗi cá nhân.
Phóng viên: Vậy môi trường gia đình giữ vai trò như thế nào trong việc hình thành tính cách, nhân cách, lối sống? Đây phải chăng là chốn yêu thương, là động lực cho mỗi con người, đặc biệt là với thế hệ trẻ?
Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh: Như đã nói ở trên, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi người. Mỗi người được sinh ra từ một người cha, người mẹ, gắn bó và lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình đặc biệt từ người mẹ. Vì vậy, giáo dục của gia đình như thế nào sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy. Tất nhiên sẽ có những đứa trẻ vì một lý do nào đó mà thiếu sự quan tâm chăm sóc của người cha hoặc người mẹ nhưng vẫn có thể hình thành được nhân cách tốt, đó là do quá trình tự giáo dục của đứa trẻ tốt. Hầu như, sự giáo dục của gia đình không tốt thì nhân cách đứa trẻ có phần khiếm khuyết. Vì vậy giáo dục gia đình rất quan trọng hình thành nhân cách, tính cách và lối sống của mỗi con người - Gia đình là chốn yêu thương, là động lực cho mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tình cảm gia đình có thể vượt qua những rào cản về địa lý, về không gian và thời gian, là sợi dây gắn kết mọi người trong gia đình. Dù có đi xa đến đâu, các thành viên trong gia đình luôn nhớ về nhau, là chỗ dựa vững chắc cho những lúc chúng ta gặp khó khăn. Gia đình luôn là nơi chở che, là nơi giúp ta lấy lại động lực và cố gắng phấn đấu trở thành một phiên bản tốt hơn. Có thể nói tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất, quý giá nhất và không có gì có thể đánh đổi được hai chữ “gia đình”. Gia đình luôn là món quà tuyệt vời mà thượng đế đã ban tặng cho con người.
Tình cảm gia đình là nguồn động lực lớn lao, giúp chúng ta vững bước trên con đường đời, là chỗ dựa vững chắc giúp ta thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Sức mạnh to lớn của tình cảm gia đình ấy sẽ chắp cánh các bạn trẻ đôi cánh, tự tin bay đến những ước mơ, khát vọng lớn lao của mình. Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là nơi mà khi mỗi chúng ta nghĩ về luôn trở thành động lực để trở thành một người tốt hơn. Không có gì bất hạnh và cô đơn hơn khi thiếu vắng tình cảm gia đình
Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh (người đứng), Trưởng Khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Tân Trào tham gia chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thôn bản về xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phóng viên: Xã hội phát triển, vì nhiều lý do mà một số gia đình gần như không có nhiều thời gian để ở bên nhau. Vậy để gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ cần làm gì?
Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh: Thực tế xã hội hiện nay với nhiều bộn bề có thể khiến các bậc làm cha mẹ giảm dần kết nối với con trẻ, những cuộc trò chuyện thưa dần, những buổi đi chơi cuối tuần bị hoãn, những sở thích không còn giống nhau. Câu chuyện “làm bạn cùng con” trở nên chẳng mấy dễ dàng như lý thuyết dù tận sâu trong đáy lòng, bậc làm cha, làm mẹ nào cũng muốn dành cho con những gì tốt nhất, muốn hiểu và yêu thương con nhiều hơn… Theo cá nhân tôi, chúng ta không quá phải quá nhọc công suy nghĩ những thứ lớn lao, các bậc làm cha, làm mẹ hãy bằng những cử chỉ, hành động thường ngày như không tiếc lời khen với những thành tích của con hoặc khi con hoàn thành một việc nào đó. Hãy mở đầu một ngày mới với những lời chúc, lời động viên, sự quan tâm, đồng hành có thể còn giá trị hơn những món quà nặng về vật chất… Thay vì giáo dục con bằng những bài học khuôn khổ, bố mẹ có thể nghĩ đến những hoạt động vui chơi vừa mang tính trải nghiệm để con được thỏa sức sáng tạo và ghi nhớ lâu hơn. Đơn giản và ý nghĩa, bố mẹ có thể trò chuyện, cùng con làm việc dù nhỏ, cùng con khám phá, tìm hiểu những hiện tượng trong cuộc sống,… Những hoạt động này không chiếm quá nhiều thời gian của bố mẹ nhưng sẽ khiến trẻ cực kỳ phấn khích với những điều mới mẻ giúp trẻ tăng khả năng tư duy, sáng tạo. Một yếu tố nữa bản thân cha mẹ phải là tấm gương trong việc gắn kết tình cảm gia đình có như vậy các con học tập và làm theo. Cùng với đó là gia đình phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tiến bộ, cha mẹ phải bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Bình đẳng ở đây thể hiện là mọi thành viên trong gia đình đều có quyền nói lên tiếng nói của mình. Mọi tâm tư nguyện vọng của các cá nhân trong gia đình đều được lắng nghe, chia sẻ, những tâm tư nguyện vọng nào chính đáng phải được đáp ứng cho phù hợp. Muốn có được điều này thì các thành viên trong gia đình phải thật sự tôn trọng nhau, đặc biệt không có sự bất bình đẳng giới. Trẻ em trai và trẻ em gái phải có quyền và nghĩa vụ như nhau, được thụ hưởng mọi giá trị như nhau, cùng nhau được học hành. Những người cha, người mẹ trong gia đình cũng phải được tôn trọng như nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống. Sự tôn trọng, thấu hiểu, sẻ chia từ gia đình chính là động lực để các thành viên vươn lên trong cuộc sống.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh!
Gửi phản hồi
In bài viết